Nhộn nhịp việc làm thời vụ dịp Tết sinh viên “hốt bạc”
Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng còn nhận người lao động làm theo ca với các khoảng thời gian đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng tìm việc làm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, nhu cầu lao động thời vụ tăng cao, nhiều công việc phù hợp với sinh viên, học sinh và những lao động nhàn rỗi.
Nhộn nhịp thị trường việc làm thời vụ vào mỗi dịp Tết âm lịch. Ảnh: TTXVN
Nhiều lựa chọn, lương hấp dẫn
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm 2016, nhu cầu nhân lực thời vụ toàn thành phố tăng mạnh với gần 14.000 việc làm, chủ yếu trong các ngành nghề marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn, giúp việc nhà, giao hàng và bảo vệ…
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất cuối năm và hoàn thành các đơn đặt hàng, nhiều doanh nghiệp cũng cần bổ sung nguồn lao động thời vụ trong một số công việc lao động phổ thông, phục vụ, gia công, đóng gói, sắp xếp sản phẩm và kiểm hàng…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lao động thời vụ được tuyển dụng nhiều trong các công việc thu ngân, nhân viên bán hàng, giao hàng, bảo vệ, giúp việc theo giờ, đóng gói hàng hóa… với mức lương dao động từ 3 – 8 triệu đồng/tháng hoặc 15.000 – 20.000 đồng/giờ, tùy theo thời gian và khối lượng công việc.
Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng còn nhận người lao động làm theo ca với các khoảng thời gian đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng tìm việc làm.
Anh Dương Quốc Uy, Công ty TNHH Thanh Bình cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, công ty mình cần tuyển thêm một số lao động thời vụ làm công việc phụ xe tải giao bia, nước ngọt cho các đại lý, nhà hàng ăn uống với mức lương 200.000 – 250.000 đồng ngày.
Đối tượng đến xin việc rất đa dạng, không chỉ có sinh viên mà nhiều công nhân, người lao động cũng tranh thủ thời gian kiếm thêm thu nhập.
Không về quê ăn Tết, em Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nay đã nhận trông nhà cho một khách hàng quen từ trước.
“Em và một bạn nữa đã có thâm niên trông nhà cho những người không ăn Tết ở thành phố. Công việc này tưởng đơn giản, nhưng cũng vất vả lắm, không chỉ cần sức khỏe, có khả năng thức khuya mà còn phải biết chăm sóc cây cảnh, vật nuôi và sắp đồ cúng giao thừa giúp chủ nhà.
Công việc vất vả, nhưng bù lại số tiền nhận được khoảng 8 – 10 triệu đồng cũng đỡ cho chúng em một phần học phí trong học kỳ sau”, Châu nhẩm tính.
Vừa kết thúc đợt thi học kỳ, Phạm Thị Bích Ngân, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Tài chính – Marketting đã lên mạng tìm kiếm việc làm cho những ngày nghỉ Tết.
“Bình thường rất khó kiếm được công việc phù hợp với thời gian học của em, nhưng vào thời điểm giáp Tết, thời gian rảnh rỗi nhiều, công việc đa dạng nên em và hai bạn nữa trong lớp nhận làm nhân viên giới thiệu sản phẩm bánh kẹo tại siêu thị Metro An Phú. Chăm chỉ làm việc, đến Tết cũng nhận được khoảng 6-7 triệu đồng”, Ngân cho biết.
Đi làm thêm vào dịp Tết âm lịch sẽ mang lại một nguồn thu nhập khá cao cho người lao động. Ảnh: TTXVN
Cần thận trọng khi tìm việc làm
Lợi dụng sự sôi động của thị trường lao động dịp Tết Nguyên đán, nhiều đối tượng và trung tâm lừa đảo cũng bắt đầu “giăng bẫy” để trục lợi.
Hình thức lừa đảo phổ biến của họ là đăng tuyển những công việc nhẹ nhàng, lương hấp dẫn. Khi người lao động đến đăng ký thường bị yêu cầu đóng phí giới thiệu, tiền đặt cọc giữ chỗ, nhưng sau đó không kết nối được công việc và cũng không được trả lại tiền.
Đa số người lao động rơi vào tình cảnh này là sinh viên đi xin việc lần đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế, hoặc người lao động có trình độ thấp. Họ không phân biệt được các địa chỉ tuyển dụng lao động thật hay giả, đồng thời lại quá kỳ vọng được hưởng lương cao và tin vào những lời hứa hẹn, nên sập bẫy các trung tâm giới thiệu việc làm “ma” này.
Phạm Tiến Bách, sinh viên khoa Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoảng 1 tháng trước, em tìm việc theo thông tin trên mạng. Khi đến nộp hồ sơ thì thấy cơ sở vật chất của trung tâm giới thiệu việc làm khá sơ sài, chưa tư vấn đã yêu cầu nộp 100.000 đồng và bị phải đóng thêm tiền nếu được nhận vào làm việc.
“Rút kinh nghiệm, những lần sau đó, em tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm có uy tín của thành phố. Ở các trung tâm này, người xin việc không phải nộp bất kỳ khoản phí nào, thông tin tư vấn rõ ràng. Em tìm được công việc phục vụ trong nhà hàng, làm theo ca, cộng cả tiền ăn trưa cũng được khoảng 4 triệu cho 10 ngày làm việc giáp Tết. Em cũng còn 2 – 3 công việc nữa được người quen giới thiệu, nếu phù hợp với thời gian còn lại, em sẽ nhận lời”, Bách cho biết.
Để tìm được những việc làm thời vụ phù hợp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người lao động nên theo dõi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển việc làm một cách cẩn thận và kỹ càng.
Người lao động nên thận trọng trước những công việc tuyển dụng quá dễ dàng, thu nhập cao và vị trí quá tốt đẹp./.
Leave a Reply